Banner
Trang chủ TIN TỨC & SỰ KIỆN

Cải tạo các vùng đất Sét giúp bà con vùng sâu, vùng xa phát triển kinh tế

21/09/2023 00:00 - Xem: 403
Tháng 8 vừa qua giảng viên ThS: Vũ Thị Nguyên – Bộ môn Khoa học cây trồng - khoa Nông học trường Đại học Nông lâm thái nguyên, kết hợp cùng Trung tâm Điện ảnh Thể thao & Du lịch Việt Nam trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao& Du lịch tiến hành thực hiện chương trình có nội dung cung cấp những kiến thức KHKT về cải tạo đất sét để giúp cho bà con nông dân đặc biệt là bà con nông dân ở các tỉnh miền núi phía bắc, vùng hải đảo xa xôi chủ động cải tạo đất sét trong phát triển kinh tế gia đình.

 Như chúng ta đã biết, đất sét là loại đất rất phổ biến ở nước ta. Đất sét với kết cấu là các hạt sét mịn, dính chặt vào nhau. Điều này khiến cho đất sét dẻo quánh khi ngấm nước và nứt nẻ, vón cục khi khô hạn. Vì đặc điểm này nên đất sét có nhiều nhược điểm, khả năng thoát nước của đất sét rất kém, vào mùa mưa thường bị ngập úng gây thối rễ. Vào mùa nắng hạn lại khô cứng khiến rễ cây bị đứt, thiếu nước. Đất nén chặt nên không khí lưu thông trong đất ít, cây hô hấp kém. Cây ra ít rễ vì lớp đất cứng, khó xuyên qua. Nếu cải tạo được đất sét thì có thể trồng được nhiều loại cây trồng trên loại đất này, do ưu điểm của đất sét là khả năng giữ nước, dinh dưỡng, mùn tốt hơn các loại đất khác.

Hình 1: Hướng dẫn người dân nhận biết đất sét với các loại đất khác ngoài thực địa       

Để cải tạo đất sét có hiệu quả, đơn giản thì hàng năm cần bón các loại phân hữu cơ để cải tạo như phân chuồng, phân xanh, phân rác nhà bếp, các chất thải hữu cơ, xơ dừa, trấu, bã thải từ làm nấm… Đây là dạng hữu cơ ngắn hạn nên sẽ giúp cải thiện tính chất đất nhanh và cần bổ sung định kỳ. Việc bổ sung phân hữu cơ sẽ cải thiện kết cấu đất, tách rời các hạt sét mịn, giúp đất tơi xốp, thoáng khí, đất thoát nước tốt hơn vào mùa mưa, giữ nước lâu hơn vào mùa khô. Đồng thời bổ sung và trộn đều dinh dưỡng cho cây trồng hấp thu tối ưu. Ngoài ra cần lên luống, tạo rãnh khi trồng cây, tránh việc đi lại chăm sóc trên bề mặt luống dễ khiến đất càng bí chặt chai cứng hơn. Việc bổ sung vôi cho đất cũng giúp cải tạo đất sét có hiệu quả, vôi có khả năng vo các hạt sét đóng thành cục. Việc này giúp người nông dân cải thiện cấu trúc đất và tăng khả năng thoát nước. Vôi cũng giúp kiểm soát độ pH, khử chua cho đất do lượng dinh dưỡng tích tụ trong lòng đất quá nhiều.

Hình 2: Hướng dẫn bà con rắc rải phân chuồng, bón vôi và tạo rãnh khi trồng cây để cải tạo đất sét có hiệu quả.

Hình 3: Hoạt động hướng dẫn kỹ thuật trồng cây ăn quả trên đất sét đã được cải tạo

Hình 4: Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau mầu trên đất sét đã được cải tạo

Đây là một chuyên mục hướng dẫn cho bà con kỹ thuật đơn giản bởi bà con vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cơ hội tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế. Do bị giới hạn bởi địa lý và hoàn cảnh sống vì vậy bà con trong sản xuất nông nghiệp còn gặp rất nhiều trở ngại. Cùng với các nhà khoa học trường đại học Nông lâm Thái Nguyên, trung tâm điện ảnh thể thao & Du lịch Việt Nam đã thực hiện một số chuyên đề đưa đến cho bà con những kiến thức cơ bản, dễ làm, dễ ứng dụng vào thực tiễn, trong đó cải tạo đất sét để trồng trọt có hiệu quả là một trong những chuyên đề được bà con rất quan tâm và đón nhận. Đây có thể nói là một sự thành công rất có ý nghĩa đối với các nhà khoa học trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên và đơn vị phối hợp.

Hình 5: Niềm vui của bà con tỉnh Hà Giang khi được đoàn đem đến tư liệu, kiến thức bổ ích

Tin bài: Vũ Thị Nguyên

BÀI VIẾT LIÊN QUAN