Cây Dâu ăn quả thuộc chi dâu tằm (Morus), họ dâu tằm (Moracace) hiện nay đang được trồng chủ yếu tại Trung Quốc, Đài Loan, Ấn Độ và Nhật Bản. Các nhà khoa học đã chọn tạo được một số giống dâu có năng suất quả cao, chất lượng quả tốt để phát triển theo hướng thu hoạch quả, trong đó nổi bật là giống Dâu quả tròn và Dâu quả dài.
Kết quả nghiên cứu tại Đài Loan và tại một số tỉnh của Trung Quốc cho thấy : Đối với giống Dâu quả dài còn gọi là giống dâu quả siêu dài, được các nhà khoa học Đài Loan tuyển chọn trong quá trình lai tạo giống dâu quả thông thường với giống dâu quả dài dại, có tên tiếng Anh là Muberry, tên khoa học Morus macroura, nguyên sản là vùng thung lũng độ cao 1.000 - 1.300 m của dãy Hymalaya hoặc rừng mưa nhiệt đới.
Cây Dâu thu hoạch quả đã được Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho phép nhập nội để nghiên cứu. Viện nghiên cứu phát triển công nghệ Nông lâm nghiệp Thành Tây đã tiến hành đánh giá khả năng thích nghi của hai giống Dâu quả tròn và quả dài tại huyện Lương Sơn tỉnh Hòa Bình cho kết quả khả quan.
Kết quả nghiên cứu tại Xã Việt Thành huyện Trấn Yên tỉnh Yên Bái 2015-2017 đã cho thấy giống Dâu quả dài khá thích hợp với điều kiện đất vàn cao, đồi thấp, giống có tiềm năng đạt năng suất cao (20-40 tấn quả/ha)và có chất lượng tốt được người dân ưa thích tại địa phương. Ngoài giá trị thu hoạch quả, lá Dâu là nguồn thức ăn tốt cho nuôi tằm lấy kén. Là cây trồng mới, để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa cần lựa chọn vùng đất cao, ít mưa vào vụ xuân để hạn chế rụng quả và tiếp tục nghiên cứu về quy trình kỹ thuật, đặc biệt là quy trình kỹ thuật đốn cũng như thử nghiệm hiệu quả sử dụng lá dâu chăn nuôi tằm .
Hình ảnh cây dâu sau trồng 1 năm:
Tin bài: Ths. Lê Thị Kiều Oanh - BM Sinh thái và BVTV