Banner
Trang chủ SINH VIÊN Hoạt động Đoàn thanh niên- Hội sinh viên Hoạt động văn hóa- thể thao

Đoàn thanh niên Khoa Nông học trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên tham gia xây dựng và chuyển giao mô hình tưới nước tự động trên cây chè cho thanh niên xã Yên Lạc huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên

10/07/2018 08:49 - Xem: 290

Nằm trong chương trình “Trí thức khoa học trẻ tình nguyện tham gia tái cơ cấu Nông nghiệp năm 2018” đội trí thức trẻ của Đoàn thanh niên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên được Trung ương Đoàn giao nhiệm vụ thiết kế, xây dựng và chuyển giao mô hình tưới tự động dạng phun mưa trên cây chè với diện tích gần 1000m2 cho đoàn viên thanh niên của xã Yên Lạc, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên.

Sau 1 tuần thiết kế và thi công do Ths. Phạm Quốc Toán phụ trách, mô hình tưới tự động cho cây chè đã đi vào hoạt động ổn định và cho hiệu quả cao đối với sản xuất chè của người dân xã Yên Lạc, huyện Phú Lương. Công trình đã được Trung ương Đoàn làm lễ cắt băng khánh thành vào sáng ngày 8/7/2018 và trao tặng cho đoàn viên Trần Văn Hợp của xã Yên Lạc, huyện Phú Lương.

Mô hình tưới tự động cho cây chè sẽ giúp cho sản xuất chè của gia đình các đoàn viên thanh niên được chủ động hơn và nâng cao giá trị của cây chè – cây công nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên. So với chưa có mô hình tưới tự động, với diện tích 1000m2 thì cần phải mất 2 nhân công làm việc 4 tiếng, khi có mô hình tưới tự động thì người dân chỉ mất 5 phút cho việc đóng và ngắt cầu dao để vận hành hệ thống tưới. Thời gian tưới của mô hình chỉ mất khoảng từ 15-20 phút cho 1 lần tưới so với tưới thủ công là 1-2h. Việc tưới chè bằng hệ thống tự động dạng phun mưa giúp không làm dập nát mặt lá chè, giúp cho lượng nước tưới được phân chia đều trên nương chè và ngấm từ từ xuống gốc các cây chè mà không bị xói mạnh, rửa trôi đất, phân bón so với việc người dân tưới bằng vòi to trực tiếp vào các gốc chè. Khi có hệ thống tưới thì các cây chè sẽ không bị gãy cành, đổ cây, nhất là các nương chè trong giai đoạn kiến thiết cơ bản do không phải kéo dây tưới của người dân khi tưới theo kiểu thủ công. Đặc biệt, khi có hệ thống tưới tự động cho chè giúp tăng vụ cho sản xuất chè do có thêm vụ chè Đông và tăng thêm được từ 1-2 lứa hái trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 1 của năm sau (dương lịch). Việc tăng thêm được 1-2 lứa hái với năng suất chỉ bằng 50-70 % của chè chính vụ nhưng bù lại chất lượng và giá chè lại cao gấp 3-4 lần giá chè chính vụ, đối với xã Yên Lạc giá chè búp khô vụ Đông giao động 300.000-500.000đ/1kg cao gấp 3 lần so với giá hiện tại.

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ có ý nghĩa rất lớn được Trung ương Đoàn giao cho Đội trí thức của Đoàn thanh niên trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên và bàn giao cho đoàn thanh niên ở địa phương để vận hành phục vụ sản xuất, tham quan, học hỏi, trong thời gian tới Đoàn sẽ nhân rộng mô hình này sang các xã khác của tỉnh Thái Nguyên để phát triển thế mạnh của cây chè trong chuỗi giá trị gia tăng của sản phẩm trà xanh tỉnh Thái Nguyên.

Sau đây là một số hình ảnh của Ths. Phạm Quốc Toán – Phó bì thư LC khoa Nông học tại Lễ ra quân tình nguyện và Khánh thành mô hình tưới tự động cho cây chè tại xã Yên Lạc huyện Phú Lương tỉnh Thái Nguyên:

 

Tin bài: Ths. Phạm Quốc Toán – Phó bí thư LC khoa Nông học

BÀI VIẾT LIÊN QUAN