ĐẠI HỌC THÁI NGUYÊN
TRƯỜNG ĐẠI HỌC NÔNG LÂM
--------------&--------------
QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC CÂY MEN (MOSLA DIANTHERA)
I. GIỚI THIỆU
Cây men (Sa dịp) - Mosla dianthera (Buch-Ham.) Maxim. Còn gọi: Lá men, Kinh giới núi, Thạch tề ninh. Họ Bạc hà (Hoa môi) – Lamiaceae.
Cây men là cây thảo một năm cao từ 25 – 50 cm, mọc đứng, phân nhiều nhánh, có lông mịn hay dang bột. Lá mọc đối hình trứng nhọn hay xoan, dài 1,5 – 3 cm, rộng 1 - 1,5 cm, có răng cưa nhỏ, có điểm tuyến ở mặt dưới; cuống lá ngắn. Hoa nhỏ mầu trắng hay hơi hồng, họp thành bông ở ngọn hay ở nách lá, dài 5 – 10 cm, mang những vòng 2 hoa, cách quãng nhau, mỗi hoa có 2 nhị sinh sản. Quả bế mầu nâu đen, có mạng, dài từ 1,5 – 2 cm. Mùa hoa quả từ tháng 5 - 11.
Cây men chủ yếu mọc ở các bãi hoang nơi có nhiều ánh sáng. Thường gặp từ độ cao 200 m – 800 m.
Do cây có chứa nhiều tinh dầu nên người dân thường sử dụng làm thuốc với tác dụng thanh nhiệt giải độc, tiêm viêm, được sử dụng làm men lá (là cây không thể thiếu được trong men). Cây được thu vào mùa thu lúc cây đang có hoa, quả mang phơi khô để nơi khô ráo dùng dần cho tới vụ sau.
Cây men được người dân vùng miền núi phía Bắc sử dụng làm thành phần chính của men lá nấu rượu. Cây men là cây được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bánh men lá ở năm tỉnh phía Bắc: Lao Cai, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang và Lạng Sơn.
Trước đây cây men còn mọc tự nhiên, nhiều nhất là những bãi hoang, nay do khai thác quá mức đã gần như cạn kiệt. Hiện nay, người dân đã tiến hành gây trồng để sử dụng và đem trao đổi trên thị trường.
II. QUY TRÌNH TRỒNG VÀ CHĂM SÓC
2.1. Kỹ thuật gieo trồng
- Thời vụ gieo trồng: Thời vụ tốt nhất là gieo hạt vào tháng 2.
- Chọn đất vườm ươm: Chọn đất thịt nhẹ, cao, dễ thoát nước, nên bố trí vườn ươm gần nhà để tiện chăm sóc.
- Làm đất: Cày bừa kỹ 2-3 lần, nhặt sạch cỏ dại, lên luống rộng từ 0,8-1m, cao khoảng từ 15-20cm, lèn chặt đất trên mặt và quanh mép luống để tránh mưa trôi và khi gieo, hạt không bị dồn vào khe đất.
- Bón lót phân cho vườn ươm: Trộn phân chuồng hoai mục với phân Supe lân, rải đều phân lên mặt luống 2 cm, xoa cho phân lẫn trong đất.
- Lượng hạt gieo: 30g hạt giống gieo cho 10m2 diện tích bề mặt luống gieo.
- Xử lý hạt và gieo hạt: Trước khi xử lý, hạt cần phơi lại từ 1 - 2 nắng nhẹ. Hạt giống được loại bỏ tạp chất, sau đó rửa sạch để ráo nước. Sau khi hạt giống đã ráo nước đem trộn với tro bếp rồi đem gieo vãi (để khác với mầu đất, khi gieo cho đều tránh chỗ quá dầy, chỗ quá mỏng hoặc chỗ lại không có hạt). Sau khi vãi hạt giống thì lấp đất tơi lên bề mặt với độ dày khoảng 0,3 – 0,5 cm, dùng thùng ôdoa tưới đẫm giữ ẩm. Chú ý đậy khi mưa để tránh dồn hạt hoặc mất hạt, rào kín tránh gia súc và gia cầm bới và ủi đất.
- Chăm sóc cây con:
+ Tưới nước: Sau khi gieo cần tưới liên tục 3 ngày đầu (tưới vào sáng sớm hoặc chiều muộn) để hạt hút đủ nước mới mọc đều, khi thấy hạt nảy mầm thì ngừng tưới 1 - 2 ngày, sau đó luôn giữ đủ ẩm không để đất quá khô hoặc quá sũng cây sẽ yếu và dễ mắc bệnh. Trước khi đem trồng phải ngừng tưới nước từ 3 - 5 ngày. Đến ngày trồng phải tưới đẫm nước trước 3 - 4 giờ để khi nhổ không bị đứt rễ.
+ Bón thúc: Cây non được khoảng 20 - 25 ngày tuổi, bắt đầu bón thúc. Lấy 1 kg đạm + 0,5 kg kali hoà với nước lã tưới đều cho một sào cây giống. Sau khi tưới phân phải tưới rửa ngay bằng nước lã đề phòng làm cháy cây non.
Nếu cây phát triển tốt, từ 35 - 45 ngày tuổi ta có thể nhổ cây giống đem trồng đại trà (cây giống cao từ 10 - 20cm).
2.2. Kỹ thuật trồng
2.2.1. Chuẩn bị đất
- Chọn đất: Cây men thường được gieo trồng trên đất có độ dốc 10 – 30 độ, loại đất Feralit, độ sâu tầng đất từ 15 – 50 cm, thành phần cơ giới từ thịt đến sét, ẩm, tơi xốp, giàu mùn, thoát nước tốt, không ngập úng, độ pH = 6-7.
Trên đất dốc miền núi phía Bắc, Cây men có thể trồng được ở các loại đất như: Đất chuyển từ trồng sắn và một số cây khác sang trồng Cây men; đất trồng cây lâu năm và rừng chưa khép tán, đất ruộng bậc thang,...
- Làm đất: Làm đất trước khi trồng khoảng 1 – 2 tuần. Trên đất dốc có lẫn nhiều sỏi đá hoặc thân, gốc cây rừng có thể dùng cuốc, bướm để rãy cỏ rồi sau đó cuốc đất để trồng cây men. Trên đất ruộng bậc thang hay sườn đồi có độ dốc vừa phải hay thung lũng, có thể dùng cày để làm đất, cày sâu 15 – 20 cm, làm 2 lần để đất nhỏ tơi xốp, nhặt sạch cỏ.
2.2.2. Cách trồng cây
Trước khi trồng, dùng cày hoặc cuốc rạch rãnh theo đường đồng mức, sâu 10 – 15 cm. Khoảng cách trồng hàng cách hàng 35 cm, cây cách cây 30 cm, tương ứng mật độ 60.000 cây/ha. Trồng xong phải tưới nước từ 3 – 4 ngày để cây non phục hồi nhanh.
2.2.3. Chăm sóc
- Dặm cây: Thường xuyên kiểm tra vườm cây đến sau trồng 20 ngày phát hiện những cây chết để dặm đảm bảo mật độ và năng suất sau này. Chú ý dặm cây vào chiều muộn và phải tưới nước cho cây mới dặm ngay sau trồng và 3 ngày sau đó.
- Bón phân:
+ Công thức phân bón cho năng suất và chất lượng tốt nhất là: 5 tấn phân chuồng + 40N + 50P2O5 + 20K2O/ha với lượng phân thương phẩm tương ứng là: 185 kg phân chuồng + 3,2 kg Urê + 11,6 kg Supe lân + 1,2 kg Kaliclorua/1 sào Bắc bộ.
+ Cách bón:
Bón lót: 100% phần chuồng + 100% phân lân. Bón lót theo hốc với khoảng cách 30 cm/hốc (giữa 2 cây).
Bón thúc lần 1 (sau trồng 20 - 25 ngày): Bón 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kali. Rạch rãnh cách gốc 4 – 6 cm, sâu 3 – 5 cm rồi bón phân kết hợp vun nhẹ (có thể hòa phân với tưới nếu đất quá khô).
Bón thúc lần 2 (sau trồng 40 - 45 ngày): Bón 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kali. Rạch rãnh cách gốc 8 – 10 cm, sâu 5 – 7 cm rồi bón phân kết hợp vun cao.
- Xới xáo, làm cỏ: Trước khi bón thúc nên xới xáo, làm sạch cỏ dại.
- Tưới tiêu: Đảm bảo đủ độ ẩm đất cho Cây men trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt chú ý vào các thời kỳ ngô 20, 40 ngày sau trồng và thời kỳ ra hoa.
2.2.4. Phòng trừ sâu bệnh
Cây men hầu như không bị nhiễm sâu bệnh nên ít phải dùng thuốc bảo vệ thực vật.
2.3. Kỹ thuật thu hoạch
Sau trồng khoảng 5 tháng, khi cây đã có quả già thì thu hái bằng cách nhổ cả cây đem phơi khô trên miếng bạt, khi đã khô vò lấy hạt cất để nơi khô ráo dùng làm giống cho năm sau, cây khô còn lại cất để dùng làm bánh men lá nấu rượu .
Tác giả: TS. Trần Trung Kiên