Banner
Trang chủ HỢP TÁC - CỘNG ĐỒNG Hợp tác quốc tế

Thực tập nghề nghiệp, thúc đẩy đam mê, tiến gần thực tế

04/07/2020 00:00 - Xem: 383
04/07/2020 00:04 - Xem: 482

Thực tập nghề nghiệp, thúc đẩy đam mê, tiến gần thực tế

 

Bước chân vào giảng đường đại học cũng đã được gần một năm, mình nhận thấy chưa bao giờ quyết định tiếp tục học theo đuổi đam mê với ngành nông nghiệp của mình lại đúng đến vậy.

Những suy nghĩ, lo lắng ban đầu về việc thích nghi với môi trường mới, cách học và bạn bè mới đã không còn nữa. Vì xung quanh bọn mình luôn có những thầy cô quan tâm, tạo điều kiện cho chúng mình học tập và gắn bó với nhau.

Vừa qua, lớp chúng mình K51 khoa Nông học được học môn “Thực tập nghề nghiệp1”. Vừa nghe qua thôi đã thấy có sự hứng thú không hề nhỏ, vì học trên lớp thôi không thể thỏa mãn sự

tò mò của chúng mình.

Ngày đầu tiên chúng mình thấy thầy hướng dẫn là nụ cười trên môi, giọng nói thanh thanh đặc trưng của người miền trung.Thầy hướng dẫn chúng mình lên kế hoạch chuẩn bị cho chuyến đi, giới thiệu địa điểm tạo sự hứng thú và niềm đam mê bên trong mỗi người.

Ngày thứ 2, thầy dẫn lớp tham quan các mô hình trong trường của mình. Không xe cộ, chúng mình dậy sớm cùng nhau đi bộ. Mình nghĩ đây là cách mà thầy giúp bọn mình gắn bó hơn. Các mô hình rất gần với chúng mình thôi nhưng dường như chưa từng dành thời gian nghiện cứu kĩ về chúng.

Các bạn nghĩ sao khi đón ngày mới với việc đi bộ cùng nhau và ngắm những bông hoa đồng tiền, hồng, lan,... trong các nhà lưới. 

Những vườn Nhãn sản xuất an toàn sai trĩu quả trong mô hình 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Hình ảnh mà các bạn nhìn thấy đó thành quả có được nhờ sự chăm sóc của các thầy cô, các kĩ sư của trường mình đó.

Ngoài các loài hoa ra và quả, còn có mô hình nấm cũng được chú trọng quan tâm và phát triển. Đặc biệt nói đến việc nuôi cấy thành công đông trùng hạ thảo tại Viện khoa học sự sống (ĐH Nông lâm TN) có chất lượng tốt không kém gì đông trùng hạ thảo Tây Tạng. Trong Viện lớp mình được anh Nam hướng dẫn và giới thiệu các phòng nuôi cấy chăm sóc, nhiệt độ trong các phòng khác nhau nhằm tạo điều kiện khí hậu giống nhất với Tây Tạng.

Bên cạnh đó là phòng nuôi cấy mô, chuyên nuôi cấy và nhân giống nhanh các loại lan của thầy Nguyễn Văn Hồng GV kiêm nhiệm Bộ môn NNCNC-Khoa Nông học.

Phòng nuôi cấy mô tế bào

Tới ngày hôm sau mới thật sự bắt đầu chuyến đi thực tế ra ngoài trường. Ngồi trên xe buýt hát dăm bài ca, chúng mình tới điểm tiếp theo. Các hộ dân trồng chè ở Tân Cương (Thái Nguyên), các bác nông dân giới thiệu từng cây chè, các quy trình cũng như cách tạo ra các sản phẩm chè đạt chất lượng cao trên thị trường. Quả là kì công các bạn ạ, không dễ dàng gì mà tạo ra một thương hiệu chè như vậy.

Vườn chè sản xuất an toàn có hệ thống tưới phun tự động

Tạm biệt những đồi chè, chúng mình lăn bánh tới Đại Từ thăm Công ty TNHH sinh học Phú Gia, doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất nấm cao cấp xuất khẩu.

Chúng mình được chú Dương và cô Hoa chủ công ty nhiệt tình đón tiếp. Không chỉ vậy, chú còn đặt ra rất nhiều câu hỏi hay về ngành và định hướng tương lai khiến mỗi người trong chuyến đi đều phải suy nghĩ. Một con người từ Đài loan sang Việt nam phát triển ngành nấm vậy không có lý do gì chúng ta không đem chất xám của mình ra để phát triển các ngành nghề cho đất nước, chúng mình đã nuôi suy nghĩ ấy sau khi chào tạm biệt chú Dương và rời công ty nấm Phú Gia

Khu phân loại và chọn lọc nấm tại công ty

Ghé qua vườn na của một bác nông dân ở xã La Hiên-Võ Nhai. Nơi đây có lẽ để lại ấn tượng nhiều nhất với mình bởi sự hiếu khách và những kinh nghiệm mà bác trao đổi. Bác cho mình thấy được sự sáng tạo của người nông dân trong sản xuất khi thực hiện cho chúng mình xem các thụ phấn cho cây na. Hoàn toàn khác với tưởng tượng và những gì mình được học, cách bác làm hiệu quả, đơn giản mà lại mang tới hiệu quả hơn.

Ngày cuối cùng, chúng mình kết thúc hành trình tại Viện rau quả Hà Nội.

Nơi nghiên cứu và ứng dụng những công nghệ, kĩ thuật canh tác hàng đầu về rau hoa quả. Các thầy cô, anh chị công tác ở đây cho chúng mình biết rất nhiều điều về các cây trồng, sâu bệnh, cách phòng chống thân thiện với môi trường mà không ảnh hưởng tới các loài thiên địch trong lúc dẫn chúng em thăm quan các mô hình.

Dưới đây là một số hình ảnh chúng mình đã nhanh tay chụp lại được:

Mô hình bưởi

Mô hình thanh long

Khu nhà màng sản xuất hoa lan công nghệ cao

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn” quả thật là vậy, nếu không có những chuyến đi như thế chúng mình sẽ không thể thấy hết những thiếu sót của bản thân cả về kiến thức lẫn kĩ năng sống. Mặt khác qua chuyến đi tạo cho các bạn trong lớp gần gũi chia sẽ, gắn kết giúp đỡ nhau hơn giống như những thành viên trong gia đình, đặc biệt giúp cho chúng em có mục tiêu và định hướng học tập tốt hơn trong thời gian tới.

 Chúng em mong sao sẽ còn nhiều những buổi học thực tập nghề nghiệp để được tiếp lửa nhiều hơn, cống hiến hết mình cho sự phát triển của nền nông nghiệp. Và qua đó chúng em cũng muốn gửi lời cảm ơn trân thành đến các thầy cô của khoa Nông học cũng như các thầy cô của trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Những người đã tạo điều kiện và trực tiếp đồng hành cùng chúng em trong mỗi buổi học, mỗi chuyến đi để chúng em từng bước hoàn thiện bản thân. Chúng em xin hứa, học tập và rèn luyện hết mình để không phụ sự kỳ vọng của các thầy cô.

Chúng em xin trân thành cảm ơn.

Đại diện sinh viên K51 Khoa Nông học: Lý Thị Thư

BÀI VIẾT LIÊN QUAN