Banner
Trang chủ GIỚI THIỆU Lịch sử phát triển

KHOA NÔNG HỌC 52 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

05/06/2021 09:22 - Xem: 749

KHOA NÔNG HỌC 52 NĂM  XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

1. Sơ lược quá trình phát triển

Khoa Nông học (trước đây có tên là Khoa Trồng trọt), là một trong 2 khoa chuyên môn được thành lập đầu tiên cùng với sự ra đời của “Trường Đại học Kỹ thuật Miền núi” theo Quyết định số 98/TTg  ngày 19/9/1969 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên).

Những ngày đầu thành lập, Khoa chỉ có 15 cán bộ, giáo viên trình độ Đại học và đào tạo ở bậc đại học 01 ngành Trồng trọt. Với chẳng đường 52 năm xây dựng và phát triển, đến nay, khoa có 3 bộ môn chuyên ngành (Bộ môn NNCN cao, Khoa học Cây trồng và BVTV). Tổng số cán bộ, giảng viên của khoa là 35 người (07 PGS; 19 TS; 7Ths và  02 kỹ sư). Đội ngũ cán bộ giảng dạy của Khoa có trình độ cao, tâm huyết với nghề nghiệp, có kinh nghiệm trong đào tạo và tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao khoa học công nghệ vào sản xuất.

Kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20-11-2004

Từ năm 1969 đến năm 1994, cơ sở vật chất của Khoa còn rất đơn sơ, chỉ có 2 gian nhà cấp 4 làm phòng thí nghiệm của 2 bộ môn: Nông hóa  - Thổ nhưỡng và Sinh lý -sinh hóa; Phòng thí nghiệm của bộ môn Cây trồng là nhà tạm bằng tre, nứa, lá...  Văn phòng Khoa là nhà cấp 4 lợp bằng giấy dầu.

Từ năm 1994 đến năm 2010, Nhà trường đã đầu tư  xây dựng cơ sở vật chất phục vụ làm việc, đào tạo và nghiên cứu  bao gồm: nhà 2 tầng với 8 phòng làm việc, 2 phòng thí nghiệm, 1 khu công nghệ cao do Hà Lan tài trợ từ dự án “Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp”; Ngoài ra Khoa còn được Nhà trường giao cho quản lý 0,5 ha  đất trồng lúa và 3 ha đất trồng màu, trồng cây ăn quả và trồng cây công nghiệp lâu năm phục vụ rèn nghề cho sinh viên.

Giai đoạn từ năm 2001 – 2010, khoa đã có nhiều lần phải chia sẽ nguồn lực và ngành đào tạo theo đề án thành lập các đơn vị mới BGH nhà trường cụ thể là:

- Năm 2001, do nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực ngành Quản lý đất đai, nhà trường đã xây dựng đề án thành lập khoa Địa chính trên cơ sở nguồn lực là CBGV Bộ môn Nông hóa thổ nhưỡng với 01 ngành đào tạo Quản lý đất đai.

- Năm 2005, Nhà trường có đề án thành lập khoa Khuyến nông và phát triển nông thôn, các bộ giảng dạy có kinh nghiệm của khoa được điều động phục vụ đề án.

- Năm 2010, thành lập khoa Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, một lần nữa khoa phải chia sẽ 35 cán bộ giảng viên và 3 ngành đào tạo (Công nghệ sinh học; Bảo quản và chế biến nông sản; Công nghệ thực phẩm) phục vụ cho đề án này.  

Từ năm 2010 đến năm 2020, cơ sở vật chất phục vụ làm việc, đào tạo và nghiên cứu bao gồm: nhà 2 tầng với 8 phòng làm việc, 3 phòng thí nghiệm, 1 khu công nghệ cao do Hà Lan tài trợ từ dự án “Đào tạo theo định hướng nghề nghiệp”; Nhà trường giao cho quản lý 15 ha  xây dựng các mô hình rèn nghề, thực hành, thực tập nghề nghiệp.

Từ năm 2020 đến nay, cơ sở vật chất phục vụ làm việc, đào tạo và nghiên cứu bao gồm: 01 nhà 2 tầng và 01 nhà cấp 4 với  8 phòng làm việc, 8 phòng thí nghiệm có các trang thiết bị hiện đại ,03 khu nông nghiệp công nghệ cao cụ thể: 1 khu công nghệ cao do Hà Lan tài trợ từ dự án “Đào tạo theo định hướng, 01 khu công nghệ cao do đại sứ quán ISRAEL tài trợ và 01 khu do chính phủ đầu tư, 15 ha  xây dựng các mô hình rèn nghề, thực hành, thực tập nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo và tay nghề cho sinh viên.

2. Chức năng, nhiệm vụ

2.1. Chức năng

Đào tạo bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ngành Khoa học cây trồng (Trồng trọt) và bậc đại học các ngành/chuyên ngành Khoa học cây trồng và Nông nghiệp Công nghệ cao.

2.2. Nhiệm vụ

- Đào tạo, quản lý đào tạo bậc sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) ngành Khoa học cây trồng (Trồng trọt) và bậc đại học các ngành/chuyên ngành  Khoa học cây trồng và Nông nghiệp công nghệ cao.           

- Nghiên cứu khoa học các đến  các lĩnh vực Khoa học cây trồng, Nông nghiệp công nghệ cao, biến đổi khí hậu...

- Chuyển giao các công nghệ sản xuất giống cây trồng, các quy trình kỹ thuật canh tác, quy hoạch vùng sản xuất đối với các loại giống cây trồng, đặc biệt là các cây trồng bản địa khu vực miền núi phía Bắc Việt Nam.

3. Đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

3.1. Đào tạo

Khi mới thành lập (1969), Khoa đào tạo bậc đại học ngành Trồng trọt. Đến nay, bên cạnh ngành học truyền thống là Khoa học cây trồng (Trồng trọt), khoa còn mở thêm 10 ngành học mới: ngành Quản lý đất đai (1996, nay thuộc Khoa Quản lý tài nguyên); ngành Khuyến nông (2002), ngành Phát triển nông thôn (2003), nay thuộc Khoa kinh tế và phát triển nông thôn); ngành Công nghệ sinh học (2006) và Công nghệ thực phẩm (2008), nay thuộc Khoa công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm và các ngành Hoa viên cây cảnh (2006), Công nghệ sản xuất rau hoa (2012) và Công nghệ sản xuất cây dược liệu (2013),  Nông nghiệp công nghệ cao (2017) do Khoa Nông học quản lý. Từ năm 1993, Khoa bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ và từ năm 1999 đào tạo trình độ tiến sĩ ngành Khoa học cây trồng.

Trong hơn năm mưoi năm qua, Khoa Nông học đã đào tạo cho khu vực Trung du miền núi phía Bắc và cho đất nước 10.000 kỷ sư các hệ,  trên 1.000 thạc sĩ và 40 tiến sĩ ngành Khoa học cây trồng (Trồng trọt).  Sau khi tốt nghiệp các anh chị cựu sinh viên luôn khẳng định được uy tín về chuyên môn;  nhiều người là nhà khoa học,  nhà quản lý, giữ trọng trách cao trong các cơ quan Trung ương và địa phương. Thống kê đến thời điểm này, về mặt quản lý Nhà nước, có 01 Bí thư Trung ương Đảng, 7 ủy viên Trung ương, 4 bộ trưởng, 14 Bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch tỉnh, 200 Bí thư, chủ tịch, phó CT huyện, thành phố và giám đốc các Sở Ban ngành. Đồng thời, có hàng trăm tổng giám đốc, giám đốc các tập đoàn, các công ty, doanh nghiệp trong cả nước. Trong lĩnh vực đào tạo và NCKH, có 30 Giáo sư, PGS, hàng trăm TS, Viện trưởng các viện nghiên cứu. Nguồn lực này đã góp phần to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu xã hội, Khoa thường xuyên thực hiện tốt việc rà soát, điều chỉnh, bổ sung chương trình đào tạo theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội như giảm giờ lý thuyết trên lớp, tăng giờ tự học và thực hành. Xây dựng khung chương trình đào tạo có mục tiêu rõ ràng, cụ thể, có cấu trúc hợp lý, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu của thị trường lao động và đảm bảo tính liên thông ngang và liên thông dọc giữa các ngành. Đồng thời đổi mới nội dung và đa dạng hóa phương pháp giảng dạy theo hướng phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu và làm việc tập thể của người học nhằm nâng cao chất lượng đào tạo theo hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Trên 90% số môn học của Khoa đã có giáo trình.

Giờ thực hành của sinh viên khoa Nông học

3.2. Nghiên cứu khoa học

Khoa Nông học là đơn vị đứng đầu của Nhà trường về số lượng đề tài, dự án KHCN. Ngay từ ngày mới thành lập, những năm 1970 - 1980 các đề tài nghiên cứu về cây lúa K3 chịu rét của thầy giáo Nông Hồng Thái, đề tài về cây ngô lai Ganga 5, bón đạm cho lúa của thầy giáo Nguyễn Đậu, đề tài về câu Đậu tương của thày Nguyên Mộng… đã có kết quả tốt về chuyển dịch cơ cấu cây trồng , nâng cao năng suất và đã được ứng dụng rộng rãi tại tỉnh Bắc Thái và các tỉnh miền núi phía Bắc. Tiếp theo là các đề tài về cây chè, cây ăn quả, cây đậu tương, cây rau, cây anh túc, cây bông, cây lúa, cây hoa…  cũng đã được thầy trò Khoa Trồng trọt nghiên cứu và áp dụng các kết quả vào trong sản xuất. 

Từ năm 2010 đến nay khoa đã triển khai thực hiên 5 đề tài nghị định thư với Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc, 35 đề tài cấp nhà nước, 100 đề tài cấp Bộ, cấp tỉnh và 90 đề tài cấp cơ sở. Từ kết quả nghiên cứu đề tài, các giống cây trồng mới như Sắn KM98-7, KM 419; BK, HL 2004, Lúa thuần Nông lâm 7, Lúa lai hai dòng Thái ưu 2; các loại phân bón mới như Phân hữu cơ sinh học và phân hữu cơ khoáng NTT, NTR1, NTR2; Các quy trình kỹ thuật như nhân giống, sản xuất cây ăn quả; sx rau, hoa; chè; canh tác sắn bền vững; sản xuất và thâm canh cây có củ; sản xuất cây trồng công nghệ cao....đã được ứng dụng vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, xây dựng nông thôn mới vùng trung du miền núi Phía Bắc.

Mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại khoa Nông học

Quy trình kỹ thuật nhân giống, sản xuất một số cây ăn quả: lê, mận, đào, chuối, bưởi, cam quý‎t…, 02 Quy trình kỹ thuật canh tác sắn bền vững cho các vùng, Quy trình sản xuất, giống và thâm canh một số giống cây có củ (khoai môn, khoai tây, dong giềng....) quy trình sản xuất thâm canh cây thạch đen, quy trìn sản xuất các loại cây dược liệu; Các quy trình sản xuất cây trồng nông nghiệp công nghệ cao cho vùng miền núi phía Bắc Việt Nam như:  phòng chống bệnh vàng lá greening trên cây có múi, hoa lily, chè VietGAP, chè GlobalGAP, ,rau an toàn…; Các quy trình bảo quản chế biến nông sản cho một số cây trồng nông nghiệp; sắn, dong riềng, khoai tây… ở vùng miền núi phía Bắc Việt Nam

3.3. Chuyển giao công nghệ

Khoa Nông học là Khoa đứng đầu Nhà trường về chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Ngay từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhiều giảng viên của Khoa đã đảm đương các chương trình chuyển giao với các địa phương: thầy Hoàng Văn Phụ với cây lúa ở xã Yên Lãng, huyện Đại Từ; thầy Đặng Văn Minh với cây lúa ở xã Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; thầy Trần Văn Điền với cây đỗ tương ở huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn; thầy Trần Ngọc Ngoạn với kỹ thuật canh tác trên đất bạc màu tại xã Tân Quang, huyện Đồng Hỷ; thầy Đào Thanh Vân với kỹ thuật sản xuất cây ăn quả tại Bắc Sơn, Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn; thầy Dương Văn Sơn với kỹ thuật sản xuất ngô ở xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên); thầy Lê Tất Khương với  kỹ thuật cho cây chè tại xã Sơn Phú, huyện Định Hóa....với các công trình gắn bó với nghề nghiệp đã hình thành lên các biệt danh: “Vân cây ăn quả”; “Sơn ngô”; “Minh lúa”....

Trong những năm gần đây, nhiều nhiệm vụ chuyển giao có ‎nghĩa thiết thực với sản xuất đã được thực hiện đạt kết quả tốt góp phần phát triển kinh tế tại các địa phương vùng trung du miền núi phía Bắc. Kinh phí từ các chương trình chuyển giao do Khoa triển khai hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng. Tiêu biểu là một số chương trình: năm 2010 xây dựng quy trình cho 4 ha chè đạt tiêu chuẩn GlobalGAP và 4 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP; Chương trình phối hợp với Tổng công ty dầu khí Việt Nam để sản xuất giống sắn mới gần 100 nghìn ha, riêng giống sắn KM94 đã được trồng trên 45.000 ha; Dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất cây giống đảm bảo chất lượng phục vụ phát triển vùng hồng 1000ha của tỉnh Bắc Kạn từ nay đến 2015” đã sản xuất được gần 1 vạn cây giống và chuyển giao cho người dân xây dựng mô hình; Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất lạc giống và xây dựng vùng sản xuất lạc tập trung tại huyện Chiêm Hóa tỉnh Tuyên Quang” đã xây dựng được 10 ha lạc thâm canh, 50 ha lạc che phủ, 50 ha thâm canh tổng hợp, 01 xưởng sấy công suất 15tấn/lần. Dự án “Quy hoạch phát triển và trồng khảo nghiệm các giống cam mới có triển vọng tại Hàm Yên, Tuyên Quang” đã quy hoạch trên 3000 ha đất trồng cam và chuyển giao nhiều giống mới, kỹ thuật mới thâm canh tăng năng suất, chất lượng cam tại huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang.

Từ năm 2015 đến nay Khoa đã chuyển giao nhiều dự án mang lại hiệu quả kinh tế cao điển hình như:

 Dự án: “Xây dựng mô hình liên kết ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật và quản lý trong sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sắn nhằm tăng thu nhập góp phần xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc miền núi tại các xã vùng cao huyện Văn Yên (Yên Bái), huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), huyện Nguyên Bình (Cao Bằng)” mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế tăng hơn so với mô hình cũ gần 50%, hiện tại mô hình đã mở rộng hàng nghìn ha.

Dự án “Xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để sản xuất rau theo hướng hữu cơ, rau an toàn và chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc” dự án đã mang lại hiệu quả kinh tế trunh bình tăng 50%.

Dự án “Xây dựng và phát triển mô hình chuyển đổi, tang vụ từ đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đậu đỏ ở vùng trung du miền núi phái Bắc” kết quả dự án đã làm tăng hiệu quả kinh tế từ 25 – 30% hiện tại mô hình mở rông hàng nghìn ha ở các tỉnh miền núi Phía Bắc.

Dự án: “Xây dựng mô hình trồng dong riềng giống mới và thâm canh tổng hợp tại miền núi Phía Bắc” kết quả của dự án đã phổ triển ra diện rộng được 1700 ha mang lại hiệu quả kinh tế tăng 30% cho người dân.

            Dự án phát triển một số cây dược liệu ở các tỉnh miền núi phía Bắc bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất.

4. Hợp tác quốc tế

Hợp tác quốc tế về khoa học công nghệ là một trong những hoạt động ưu tiên của Nhà trường nói chung và Khoa Nông học. Nổi bật là:  Hợp tác trong đào tạo với các đối tác Hà Lan, Hoa Kỳ, Đài Loan, Úc…. để nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học cho cán bộ, giáo viên trong khoa; Hợp tác với các đối tác nước ngoài triển khai một số nhiệm vụ nghị định thư. Thông qua việc hợp tác với các đối tác nước ngoài nhiều cán bộ của Khoa đã được cử đi đào tạo nâng cao trình độ, nhiều công nghệ và kỹ thuật tiên tiến được nhập khẩu, nhiều kết quả và sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao đã được tạo ra, như:

Đề tài Nghị đinh thư “Nghiên cứu phòng chống bệnh greening hại cam và tuyển chọn giống cam có khả năng phòng chống bệnh greening tại Hàm Yên, Tuyên Quang” hợp tác với Trung Quốc đã chọn được một số dòng cam sạch bệnh, sản xuất được cây S0 và S1 lưu trữ trong nhà lưới, trồng 01 ha mô hình cam xen ổi phòng bệnh greening tại Hàm Yên.

Đề tài Nghị đinh thư “Nghiên cứu xây dựng hệ thống tính toán liều lượng đạm bón thúc cho ngô sử dụng phương pháp giải đoán ảnh” hợp tác với Hoa Kỳ đã xây dựng được các quy trình: Quy trình chuẩn đoán hàm lượng đạm trong thân lá ngô ở 3 giai đoạn 7 - 9 lá và trước trỗ 10 ngày và sau trỗ 10 ngày bằng giải đoán ảnh, Quy trình chuẩn đoán tổng lượng N hút của ngô ở 3 thời kỳ: 7 - 9 lá và trước trỗ 10 ngày và sau trỗ 10 ngày, quy trình tính toán liều lượng phân N bón thúc cho ngô ở giai đoạn 7 - 9 lá và trước trỗ 10 ngày dựa vào tình trạng sinh trưởng - sinh dưỡng N bằng giải đoán ảnh, Quy trình dự báo năng suất ngô dựa vào tình trạng sinh trưởng, tình trạng dinh dưỡng N và giải đoán ảnh kỹ thuật số của ngô lúc trước trỗ cờ 10 ngày và sau trỗ cờ 15 ngày làm cơ sở cho việc bón N hiệu quả cho ngô tại Việt Nam.

Đề tài Nghị đinh thư “Nghiên cứu và phát triển cao lương ngọt cao sản cho vùng trung du miền núi phía Bắc Việt Nam làm nguyên liệu sản xuất ethanol sinh học” hợp tác với Nhật Bản đã chọn được một số giống cao lương ngọt chính vụ thích hợp với điều kiện vùng trung du miền núi phía Bắc, đạt năng suất 80 – 10 tấn/ha/vụ, một số giống có khả năng rải vụ đạt năng suất 120 - 130 tấn/ha/năm

Đề tài Nghị đinh thư “Hợp tác nghiên cứu ứng dụng công nghệ sóng điện cao tần diệt trừ mọt gạo tại Việt Nam” hợp tác với Đài Loan đã và đang mang lại các hiệu quả thiết thực cho sản xuất…

5. Các phần thưởng được trao tặng

Khoa Nông học đã vinh dự được nhận các phần thưởng cao quý:

- Huân chương lao động hạng 3 (1987);

- Huân chương lao động hạng nhì (2001);

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2005);

- Bằng khen của công đoàn ngành Giáo dục Việt Nam các năm học (1999-2000), (2001-2002), (2004-2005).

- Cờ thi đua của Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016)

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016)

6. Một số hình ảnh về khoa hiện nay

Tập thể cán bộ, giảng viên Khoa Nông học năm 2019

 

 

 

BÀI VIẾT LIÊN QUAN